Bối cảnh , diễn biến Danh_sách_hoàng_đế_nhà_Tống

Trái: Chân dung Tống Thái Tông (976–997)
Phải: Chân dung Tống Thần Tông (1067-1085)

Triều đại Nhà Tống được thành lập bởi Hoàng đế Thái Tổ (960 – 976) năm 960, Triệu Khuông Dẫn thống nhất hoàn toàn Trung Quốc lập nên nhà Tống, trừ mười sáu châu quận miền bắc. Nhà Tống đã phát động một loạt chiến tranh với nhà Liêu (907-1125), vốn được cai trị bởi tộc người Khiết Đan, đang sở hữu mười sáu châu miền Bắc Trung Quốc.[2] Nhà Liêu bị lật đổ năm 1125 trong một cuộc chinh phạt của quân đội Nhà Tống và bộ tộc Nữ Chân đứng đầu là Hoàng đế Kim Thái Tông (1123 – 1134). Tuy nhiên, Kim đã nhanh chóng chuyển sang chống lại Nhà Tống và xâm chiếm lãnh thổ phía Bắc của Nhà Tống.[2] Trong sự biến Tĩnh Khang,[3] đại quân nhà Kim đã phá vỡ thành Biện Kinh năm 1127, bắt Tống Huy Tông (1100 – 1126), lúc bấy giờ là Thái thượng hoàng, và con trai ông là Tống Khâm Tông (1126 – 1127).[4]

Hoàng đế Cao Tông (1127 – 1162), tức là Triệu Cấu, con trai Vua Huy Tông, chạy trốn về phía nam và tái lập Triều đại Nhà Tống tại Nam Kinh.[5] Ông đã lập một thủ đô tạm thời tại Hàng Châu năm 1129, và vào năm 1132, ông tuyên bố Lâm An trở thành thủ đô chính thức.[6] Nhà Kim đã thực hiện nhiều nỗ lực chinh phục Nam Tống nhưng đều bất thành. Năm 1165, Tống Hiếu Tông (1162 – 1189) và Kim Thế Tông (1161 – 1189) đã đồng ý ký kết một hiệp ước hòa bình và là một kết quả ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước.[7] Nhà Tống tiếp tục cai trị miền Nam Trung Quốc cho đến 1279, sau khi quân đội nhà Nguyên – Mông được dẫn đầu bởi Hốt Tất Liệt, Khả Hãn của Đế quốc Mông Cổ,[8] xâm lược và chinh phạt nhà Tống. Vị Hoàng đế cuối cùng là Triệu Bính, được biết đến sau khi mất là Vệ Vương (1278 – 1279), người đã cùng thừa tướng Lục Tú Phu nhảy xuống sông tự vẫn sau khi đại bại trong trận Nhai Môn mà ngày nay là thị xã Nhai Sơn, quận Tân Hội, địa cấp thị Giang Môn, tỉnh Quảng Đông.[9]